Tuyên truyền 75 năm Chiến thắng Chợ Cát, phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (20/7/1949 – 20/7/2024)
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền 75 năm Chiến thắng Chợ Cát, phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (20/7/1949 – 20/7/2024)

Chợ Cát là tên gọi của một vùng đất cát được hình thành từ lâu đời thuộc thôn Tấn Thạnh, xã Hoài Hảo, huyện Hoài Nhơn, cách quốc lộ 1A khoảng 1km về phía Tây và cách ga Tam Quan chừng 2 km về phía Tây Nam. Mảnh đất này đã đi vào những trang sử hào hùng của quân và dân Bình Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi diễn ra những trận đánh ác liệt, tiêu biểu là trận đánh vào ngày 20/7/1949.

Sơ đồ trận đánh Chợ Cát ngày 20/7/1949.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bình Định giữ vị trí quan trọng, vừa là vùng tự do vừa là hậu phương cung cấp nhân tài vật lực nhiều nhất cho chiến trường Khu V. Sau thất bại trong chiến dịch Việt Bắc Thu - Đông 1947, thực dân Pháp đứng trước những khó khăn vô cùng to lớn, buộc chúng phải thay đổi chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang chiến lược đánh lâu dài, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Bước vào Thu- Đông 1948-1949, ta mở đợt hoạt động quân sự sôi nổi trên toàn Liên khu V. Tháng 6/1949, Liên khu mở chiến dịch Bắc Tây Nguyên, tấn công địch trên địa bàn rộng, dài ngày. Tiểu đoàn 50 phục kích trên đường 19, đường 14 và đường số 7 liên tiếp tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Để giảm bớt áp lực của ta trong chiến dịch Bắc Tây Nguyên, quân Pháp chủ trương mở cuộc càn quét đánh vào hậu phương của ta ở Bắc Hoài Nhơn, trọng điểm là vùng Tam Quan - Chợ Cát, một vùng trù phú có nhà ga xe lửa, hệ thống kho tàng, xưởng sản xuất và một số cơ quan của Liên khu V, lại nằm gần bờ biển thuận tiện cho việc đổ bộ và rút lui.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 20/7/1949, quân Pháp chia làm 3 cánh, dùng tàu chiến bất ngờ đổ bộ vào vùng biển Bắc Hoài Nhơn. Cánh thứ nhất với lực lượng 1 tiểu đoàn tiến vào Bãi Ngang (Hoài Thanh) qua các thôn Lâm Trúc, Gò Tháp, Tăng Long, Đại Hóa vượt quốc lộ 1 lên chiếm Chợ Cát. Đây là cánh quân chủ yếu của địch trong cuộc hành quân này với nhiệm vụ cảnh giới ngăn chặn lực lượng ta phản công tập kích vào ga Tam Quan từ phía tây và tây nam. Cánh thứ hai gồm 1 đại đội đổ bộ lên Vĩnh Tuy (thuộc xã Phổ Trạch, Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), chiếm đèo Bình Đê rồi thọc vào ga Chương Hòa đốt phá một số đầu máy, toa xe lửa và kéo vào thôn Tân Định, Tân Thành (thuộc Tam Quan Bắc). Phối hợp với hai gọng kìm phía nam và phía bắc, mũi thứ ba đổ bộ lên cửa biển Thiện Chánh, Trường Xuân, hình thành mũi tiến công chính diện chọc thẳng lên ga Tam Quan.

Nhờ sự chuẩn bị trước và tinh thần cảnh giác cao, ngay từ lúc địch đổ quân, các đài quan sát của ta đã theo dõi báo động chiến đấu.

Riêng tại Chợ Cát, bộ đội huyện và dân quân xã Hoài Hảo đã chặn đánh địch nhưng do lực lượng quá ít, lại trang bị vũ khí thô sơ nên phải rút dần vào vị trí an toàn. Phần lớn công sự ta đào từ trước đều bị chúng chiếm hết. Lúc này, Tiểu đoàn 50 thuộc Trung đoàn chủ lực 210 của Liên khu vừa hành quân từ Bắc Tây Nguyên về đóng quân tại xã Hoài Xuân. Đại đội 51, đơn vị chủ công của tiểu đoàn, được lệnh gấp rút hành quân ra Hoài Hảo tiếp ứng. Bộ đội chủ lực ta đụng độ quân địch tại Chợ Cát. Tuy so sánh lực lượng chênh lệch: địch có 1 tiểu đoàn, ta có 1 đại đội; quân địch có hỏa lực mạnh lại chiếm được địa hình có lợi và bố trí sẵn, nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, bộ đội ta lợi dụng các gốc dừa, gò mối, hào giao thông, vừa nổ súng vừa tiếp cận địch. Cuộc chiến diễn ra quyết liệt từ 15 giờ đến 17 giờ. Cuối cùng, không chịu nổi những đợt xung phong của các chiến sĩ quyết tử, tiểu đoàn địch phải tháo chạy, rút về co cụm ở ga Tam Quan.

Địa điểm bộ đội chủ lực chiến đấu với quân Pháp ở Chợ Cát ngày 20/7/1949.

Trong đêm 20/7/1949, ta sử dụng pháo 75 và súng cối 81 tập kích vào sở chỉ huy và cụm quân địch tại ga Tam Quan, gây cho chúng tổn thất nặng nề. Bị quân ta bám đánh liên tục, sáng ngày 21/7/1949 địch dùng pháo hạm bắn phá dữ dội vào các khu vực xung quanh ga Tam Quan và hai bên đường đi Thiện Chánh để yểm trợ cho cuộc rút lui vội vã của chúng. Tuy vậy, du kích vẫn bám đánh địch liên tục trên đường chúng rút lui, tiêu diệt thêm một số tên nữa. Trận Chợ Cát - Tam Quan kết thúc thắng lợi, ta đã tiêu diệt gần 200 tên địch, bẻ gãy cuộc hành quân của địch càn quét đánh phá vùng tự do ven biển của ta.

Chiến thắng Chợ Cát- Tam Quan đánh dấu sự trưởng thành của quân và dân Bình Định trong chiến đấu bảo vệ vùng tự do. Cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã hợp đồng tác chiến tốt, bám đánh địch liên tục, kết hợp chông mìn, cạm bẫy với hỏa lực và vận dụng cách đánh sáng tạo linh hoạt, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, làm thất bại âm mưu càn quét của thực dân Pháp, góp phần giữ vững vùng tự do Liên khu V. Góp công vào thắng lợi này còn có sự phối hợp của nhân dân chăm lo tiếp tế cho bộ đội và du kích, tích cực cứu chữa thương binh, nhanh chóng khắc phục hậu quả trận đánh để tiếp tục lao động sản xuất.

Đã 75 năm trôi qua, tại Chợ Cát - nơi diễn ra những trận đánh hào hùng năm xưa - do điều kiện thời gian và đặc điểm di tích là bãi chiến trường nên mọi dấu đích lịch sử đều bị phá hủy. Để tạo điều kiện đầu tư tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã chọn địa điểm Chợ Cát cũ quy hoạch làm Khu di tích. Nơi đây còn tồn tại cây bàng cổ thụ lịch sử- nơi treo cờ Đảng trong cuộc biểu tình năm 1930-1931. Ngày 16/12/1998, Di tích Chợ Cát được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng. Năm 2014, Di tích Chiến thắng Chợ Cát được đầu tư xây dựng tượng đài, sân vườn, đường giao thông nội bộ với tổng kinh phí hơn 2,7 tỷ đồng, một số hạng mục đến nay đã xuống cấp, được UBND tỉnh cho chủ trương UBND thị xã xây dựng chỉnh trang, sửa chữa di tích lịch sử Chiến thắng Chợ Cát tạo điểm nhấn để nhân dân sinh hoạt - vui chơi giải trí, phát huy giá trị di tích, nhằm giáo dục truyền thống lịch sử và lòng yêu nước cho các thế hệ mai sau.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Xem thêm chủ đề