CHUNG TAY, CHUNG SỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XÂY DỰNG PHƯỜNG HOÀI HẢO SÁNG, XANH, SẠCH, ĐẸP AN TOÀN VĂN MINH.
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

CHUNG TAY, CHUNG SỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG XÂY DỰNG PHƯỜNG HOÀI HẢO SÁNG, XANH, SẠCH, ĐẸP AN TOÀN VĂN MINH.

Những năm qua, các hoạt động nông nghiệp cùng với những hoạt động dịch vụ, sinh hoạt đã làm xuất hiện tình trạng ô nhiễm môi trường có tính chất nghiêm trọng ở Hoài Hảo. Trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi nông hộ, cùng với việc lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư. Bên cạnh đó các hoạt động sản xuất của một ngành nghề truyền thống cũng là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm trong khu dân cư.

Sản xuất tinh bột mì trên địa bàn phường Hoài Hảo, là một ngành nghề, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống Nhân dân và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, từ năm 2011, các hộ sản xuất tinh bột mì đã không ngừng tăng quy mô sản xuất lên gấp nhiều lần mà không quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nên đã làm môi trường trong khu dân cư ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống, sinh hoạt và gây bức xúc trong Nhân dân. Khi nhắc đến Hoài Hảo, mọi người nghĩ ngay đến “ Thành phố nước chua ” (một cách ví von về sự ô nhiễm do sản xuất tinh bột mì ở Hoài Hảo lúc bấy giờ), nghĩ ngay đến mùi hôi thối, nhếch nhác của ngành nghề sản xuất, chế biến tinh bột mì, làm xấu hình ảnh quê hương Hoài Hảo.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh có chủ trương chấm dứt hoạt động sản xuất bột mì trong khu dân cư trên địa bàn huyện Hoài Nhơn (nay là thị xã Hoài Nhơn), đặc biệt là tại phường Hoài Hảo. Chủ trương này đã được sự thống nhất, đồng tình ủng hộ của Nhân dân toàn phường. Đến nay, môi trường sinh thái tại Hoài Hảo đã được phục hồi, các hộ sản xuất đã được chuyển đổi ngành nghề, đời sống ổn định. Thế nhưng, mặc dù được Chính quyền, Mặt trận, các Hội Đoàn thể phường và bà con nhân dân khu dân cư tuyên truyền, vận động nhiều lần, vẫn còn một số hộ tiếp tục lén lút sản xuất tinh bột mì trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng.

Trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, hành vi vi phạm đó đã bị các cơ quan chức năng xử lý. Trung tâm quan trắc Tài nguyên & Môi trường tỉnh Bình Định đã tiến hành xét nghiệm mẫu nước thải sản xuất tinh bột mì tại hộ bà L, ông N thường trú tại khu phố Tấn Thạnh 2 và hộ ông C, thường trú tại khu phố Phụng Du 2. Kết quả, chỉ số chất độc Xyanua đều vượt quy định cho phép hàng trăm lần. Từ kết quả trên, UBND thị xã đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ bà L, ông N thường trú tại khu phố Tấn Thạnh 2 với số tiền 97.500.000đ (Chín mươi bảy triệu năm trăm nghìn đồng); hộ ông C cũng đang được các cơ quan chức năng cũng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.

(Hình ảnh ô nhiễm môi trường từ các hộ lén lút sản xuất tinh bột mì trong khu dân cư tại khu phố Tấn Thạnh 2 và Phụng Du 2)

Từ một xã thuần nông, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển còn hạn chế, đến năm 2019, Hoài Hảo đã được công nhận xã Nông thôn mới, năm 2020 được công nhận lên phường với 6 khu phố, cuộc sống Nhân dân có nhiều thay đổi tích cực. Đây là kết quả của sự đoàn kết thống nhất của cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn phường đã phấn đấu thực hiện đạt nhiều tiêu chí Nông thôn mới và tiêu chí đô thị cấp phường. Trong đó, quan trọng nhất là tiêu chí bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế phải hài hòa với thiên nhiên, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế; phát triển kinh tế xanh …, chung tay chung sức bảo vệ môi trường, xây dựng phường Hoài Hảo “ Sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn văn minh ” đó là mục tiêu và quyết tâm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân toàn phường.

Nguồn: Huỳnh Thị Liệu - Công chức ĐC - XD - ĐT - MT


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết