TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 59 NĂM TRẬN CHIẾN DỐC CÁT
TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 59 NĂM TRẬN CHIẾN DỐC CÁT
(6/4/1965-6/4/2024)
******
Hoài Hảo là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Với tấm lòng kiên trung, bất khuất, đôn hậu, thủy chung và nhân ái, nhân dân Hoài Hảo đã đoàn kết, gắn bó trong lao động, sản xuất và trong công cuộc đấu tranh chống lại quân thù.Đảng bộ Hoài Hảo trải qua muôn vàn thử thách, gian nguy, tổn thất nặng nề, nhưng cũng giành được những thắng lợi vẻ vang. Từ đó, đảng viên và quần chúng cách mạng được tôi luyện, sàng lọc, trở nên vững vàng, có thêm kinh nghiệm đấu tranh và xây dựng lực lượng chính trị rộng rãi.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cùng với các địa phương khác trong huyện, quân dân Hoài Hảo đã liên tiếp đánh bại những cuộc càn quét của địch, trấn áp bọn phản cách mạng và xây dựng một mặt trận lòng dân vững chắc. Tiêu biểu là chiến thắng Chợ Cát -Hoài Hảo năm 1949, đánh dấu sự trưởng thành về năng lực lãnh đạo và về tổ chức của Đảng bộ Hoài Hảo, đồng thời là cơ sở để giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ.
Sau năm 1954 chính quyền ngụy Sài Gòn, tay sai của đế quốc Mỹ liên tục tiến hành các chiến dịch càn quét, tấn công, hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng của ta. Đầu năm 1965, tỉnh ủy Bình Định quyết định mở chiến dịch xuân hè nhằm tiêu diệt địch, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.Mở màn chiến dịch bộ đội ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Đồi 10 (Hoài Châu Bắc). Chiến thắng này tạo thời cơ cho nhân dân các xã trong huyện nổi dậy giành chính quyền, giải phóng 10/12 xã, vùng nông thôn rộng lớn thuộc quyền làm chủ của nhân dân, bao gồm: Hoài Sơn, Hoài Châu, Tam quan Nam, Tam quan Bắc, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Xuân và Hoài Tân; trong đó xã Hoài Hảo được giải phóng ngày 9 tháng 2 năm 1965.
Trước chiến thắng của ta, Mỹ nguỵ tập trung lực lượng quân sự phản kích đánh chiếm những vùng đã mất.Tháng 4 năm 1965, địch sử dụng hàng trăm máy bay, trực thăng đổ quân xuống quốc lộ 1A từ Tam Quan đến Chương Hoà, hai tiểu đoàn cộng hoà và một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến hành quân từ Bồng Sơn ra, phối hợp với quân đổ bộ đánh chiếm Hoài Hảo, Tam Quan, Chương Hoà, Đồi 10, quyết khai thông quốc lộ 1 đoạn từ Bồng Sơn ra Quãng Ngãi.
Tại Hoài Hảo, ngày 3 tháng 4 năm 1965, bọn địch sử dựng tiểu đoàn 3 trung đoàn 40 nguỵ có xe tăng yểm trợ càn quét xóm Thanh Bình và Phụng Hoà (Phụng Du 2) bắt giết 8 người dân. Hành động sát nhân của lính nguỵ Sài Gòn phơi bày bản chất tàn ác, vô nhân đạo của chúng, nhân dân Hoài Hảo rất căm phẫn, quyết không dung tha.
Di tích lịch sử Dốc Cát
Dốc Cát là địa bàn quan trọng của ta, là hành lang qua lại giữa đông đường và tây đường. Nhằm tạo hành lang ngăn cách giữa phía tây và phía đông quốc lộ 1, ngăn chặn con đường liên lạc của ta, với vị trí chiến lược quan trọng, địch điều tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến đến đào công sự, giao thông hào, lập chốt đóng giữ tại Dốc Cát (Phụng Du 2). Ta quyết định đánh tiêu diệtđịch tại Dốc Cát, đánh phá, ngăn chặn không cho địch đóng chốt tại đây, khai thông tuyến liên lạc giữa phía tây và phía đông đường quốc lộ 1, đồng thời đánh để trả thù sự tàn bạo, dã man của địch đã sát hại 8 người dân vô tội tại xóm Phụng Hoà, tạo niềm tin trong nhân dân. Để chuẩn bị cho việc tập kết, bộ đội và dân quân du kích của ta đã bí mật đào hơn 100 mét giao thông hào, hầm trú ẩn và tổ chức hệ thống thông tin liên lạc.
Đêm ngày 6 tháng 4 năm 1965, tiểu đoàn bộ đội chủ lực quân khu V phối hợp với du kích xã tiến công đánh tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến nguỵ tại Dốc Cát, Phụng Du 2. Trận chiến đấu diễn ra ác liệt, sau hai giờ chiến đấu bộ đội ta đánh địch bật khỏi công sự giao thông hào, tiêu diệt hàng trăm tên. Rạng sáng ngày 7 tháng 4 năm 1965, bộ đội rút quân, Nhân dân kịp thời chuyển thương binh lên căn cứ cứu chữa, chôn cất các chiến sĩ đã hy sinh.
Sau trận đánh tại Dốc Cát, hai ngày sau địch rút quân không lập chốt tại Dốc Cát, tạo hành lang thuận lợi giao lưu giữa đông đường và tây đường cho đến ngày giải phóng năm 1975.
Trận đánh Dốc Cát đã góp phần không nhỏ vào phong trào đấu tranh chống Mỹ của toàn xã, toàn huyện Hoài Nhơn giai đoạn 1961-1965, góp phần làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ nguỵ, là tiền đề để nhân dân xã Hoài Hảo nói riêng và Hoài Nhơn nói chung đánh bại các cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966, 1966-1967,…Tuy nhiên thắng lợi nào cũng phải chịu những tổn thất, hy sinh. Trong trận đánh này, chiến sĩ, bộ đội du kích của ta đã ngã xuống tại nơi đây và sau ngày giải phóng, khoảng tháng 6 âm lịch năm 1984, Đảng uỷ và Uỷ ban nhân dân xã Hoài Hảo, tổ chức quy tập hài cốt liệt sĩ tại hai xóm Phụng Hoà và Phụng Sơn, làm lễ truy điệu đưa 86 hài cốt liệt sĩ về mai táng tại Nghĩa trang xã Hoài Hảo.
Đã 59 năm qua, nhưng sự kiện Dốc Cát vẫn còn in sâu trong tiềm thức người dân nơi đây với những trận chiến ác liệt giữa ta và địch. Nơi đây đã chứng kiến biết bao nhiêu gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bộ đội chủ lực Quân khu V, của quân và dân Hoài Nhơn, Hoài Hảo và đã đi vào lịch sử đấu tranh cách mạng, kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh, mất mát của quân và dân ta đã chiến đấu, hy sinh trong trận đánh Dốc Cát, nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27 tháng 7 hàng năm, nhân dân phường Hoài Hảo đã tổ chức tưởng niệm tại nhà văn hóa của khu phố, nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng và tri ân, tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng quê hương. Nhân dân Hoài Hảo hân hoan, tự hào đã góp phần nhỏ bé công sức và máu xương vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc thắng lợi. Năm tháng sẽ trôi qua, những thắng lợi cùng sự hy sinh của quân và dân Hoài Hảo trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như những trang sử chói lọi nhất, một biểu tượng sáng người về sự toàn thắng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
********
Cùng với di tích lịch sử chiến thắng Chợ Cát, di tích lịch sử Dốc Cát, phường Hoài Hảo được UBND tỉnh ban hành quyết định xếp hạng vào cuối năm 2021. Di tích là "địa chỉ đỏ”, là nhịp cầu nối liền quá khứ với hiện tại và tương laicó ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước cho người dân, đặc biệt thế hệ trẻtừ đó nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ, phát huy, quảng bá những giá trị của di tích.
BAN TUYÊN GIÁO ĐẢNG ỦY PHƯỜNG