Mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Mô hình trồng thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi

Chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân trên một đơn vị diện tích là chủ trương lớn của địa phương Thị xã Hoài nhơn nói chung và phường Hoài Hảo nói riêng. Ngoài những cây trồng truyền thống xưa nay bà con nông dân Hoài Hảo thường trồng như: Bắp, lạc, rau đậu các loại trên chân đất chuyển đổi, vụ hè thu 2022 Trung tâm khuyến nông tỉnh Bình Định với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Hoài Nhơn phối hợp với UBND phường Hoài Hảo tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật mô hình thâm canh cây mè trên chân đất chuyển đổi.

Mô hình được thực hiện tại cánh đồng tổ dân phố Phú Thương, khu phố Hội Phú trên quy mô 02 ha, có 29 hộ nông dân tham gia mô hình.

Giống mè: Mè đen V36 và Mè trắng V6.

Tổng kinh phí thực hiện mô hình là: 51.227.000 đồng

Chính sách hỗ trợ giống và vật tư:  Nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% và nông dân tham gia mô hình đối ứng 50%.

Trong suốt thời gian thực hiện mô hình nông dân được tập huấn kỹ thuật đầu vụ, giữa vụ và tổ chức tổng kết mô hình.

Hiện mô hình cây mè đang giai đoạn cho quả, phát triển rất tốt.

 

( mè đen V36 đang giai đoạn cho quả)

* Về quy trình kỹ thuật thâm canh cây mè trên đất chuyển đổi

1. Giống.

- Giống mè đen V36: Thời gian sinh trưởng từ 72 – 75 ngày, thân cứng, cao cây. Màu lá xanh đậm, hoa trắng, quả và hạt to. Năng xuất trung bình đạt 09 -10 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 12-14 tạ/ha. Cây mè đen V36 chịu nắng nóng, khô hạn rất tốt, đầu tư thâm canh không cao, trồng được 02 vụ / năm. Hàm lượng dầu trong hạt đạt 50%.

- Giống mè trắng V6: Thời gian sinh trưởng từ 75 – 80 ngày, thân cứng, cao trung bình. Màu lá xanh đậm, hoa trắng, quả và hạt to. Năng xuất trung bình đạt 10 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 13-14 tạ/ha. Hàm lượng dầu trong hạt đạt 52%.

2.Thời vụ:

Cây mè thích hợp trồng vụ hè Thu, thời gian gieo từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm.

3.Kỹ thuật làm đất:

- Hạt mè rất nhỏ do đó cần làm đất thật kỹ để gieo hạt đều, không bị vùi lấp.

- Tùy theo chiều dài và độ phẳng của ruộng, cứ 10 – 12m làm 01 rảnh tiêu nước vuông góc với chiều dài luống.

4. Lượng giống và phương pháp gieo.

- Lượng giống: 0,2 – 0,25 kg/sào (04 – 05 kg/ha)

- Phương pháp gieo

Có 02 phương pháp gieo là: Gieo hàng và gieo vãi, tuy nhiên gieo vãi là phổ biến. Sau khi lên luống xong, dùng hạt mè trộn với đất, cát mịn hoặc tro bếp vãi đều trên mặt luống, sau đó dùng cào cỏ răng thưa cào lấp hạt giống

Sau khi gieo hạt khoảng 05 – 07 ngày, tiến hành kiểm tra, nếu thưa thì gieo bổ sung thêm.

Điểm chú ý trước khi gieo hạt mè là đất phải đủ ẩm, không lấp đất quá sâu hạt khó nảy mầm.

5. Xử lý cỏ dại

Sau khi gieo hạt 01 – 03 ngày, tiến hành xử lý bằng thuốc diệt cỏ tiền nảy mầm như: DualGold 96EC, Targa Super 5EC,…phun thuốc khi đất đủ ẩm.

6. Kỹ thuật bón phân

- Lượng phân bón:

+Vôi bột: 500 kg/ha (25 kg/sào). Bón trước khi cày bừa đất

Phân chuồng: 10 tấn/ha ( 500 kg/sào), hoặc dùng phân hữu cơ vi sinh 01 tấn/ha ( 50 kg/sào)

+Đạm U rê: 200 kg/ha (10 kg/sào) đối với đất thịt; 260 kg/ha (13 kg/sào) đối với đất cát pha.

+Lân văn Điển: 400 kg/ha (20 kg/sào)

+Kali: 100 kg/ha (05 kg/sào)

Cách bón phân: Bón lót: bón tất cả lượng phân lân, 70% phân Ure và 70%kali, bón lúc cày bừa đất lần cuối trước khi gieo hạt

Bón thúc: sau gieo hạt 25 – 30 ngày bón 30% phân Ure và phân kali còn lại kết hợp tưới nước.

7. Tưới tiêu nước:

Mè là cây chịu úng kém, sau khi mưa to cần phải tiêu nước kịp thời.

Mè cần nước đủ ẩm từ khi gieo đến khi ra hoa đầu tiên. Sau đó giảm dần và ngưng tưới nước khi có trái chín đầu tiên

8. Phòng trừ sâu bệnh

Cây mè thường có các loại sâu hại như: Sâu khoang, sâu cuốn lá. Chúng thường cắn phá lá, cây non làm cho cây sinh trưởng kém. Giai đoạn ra hoa đậu quả, sâu làm rụng hoa, quả làm giảm năng xuất. ngoài ra còn có một số thiên địch gây hại khác như: rầy xanh, bọ trĩ…

Biện pháp phòng trừ:

Trước khi gieo cày phơi đất để diệt nhộng trong đất, thăm đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sâu và phun thuốc kịp thời.

Đối với các loại sâu: Sử dụng một số loại thuốc sau để phun: Peran 50EC, Proclaim 1.9EC, Prevathon 5SC…

Đối với bọ trĩ, rầy xanh: Penalty 40WP, AC Nipy Ram 50WP.

9. Thu hoạch

- Khi thấy lá từ màu xanh chuyển sang vàng và bắt đầu rụng, nhìn trái mè thứ 02 từ gốc lên có hiện tượng nứt là thu hoạch được. Khuyến khích bà con nông dân thu hoạch lúc trời nắng ráo, sau khi thu hoạch tiến hành ủ thành đống và tủ bạc trong thời gian từ 03 – 05 ngày sau đó tiến hành phơi khô, đập cho rơi hết hạt và làm sạch.

Đây là mô hình điểm tại địa phương được bà con nông dân hưởng ứng rất tích cực, củng là mô hình điểm để địa phương khảo nghiệm thay thế một số cây trồng truyền thống hiệu quả thấp, đầu tư cao để giúp bà con nông dân đầu tư thâm canh có hiệu quả hơn trong sản xuất.

 

Huỳnh Đăng Phương – Chủ tịch Hội Nông dân phường.


Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết